Khoa Học & Đức Tin

Khoa Học & Đức Tin







Khoa học là gì?
Khoa học là toàn bộ hoạt động có hệ thống nhằm xây dựng và tổ chức kiến dưới hình thức những lời giải thích và tiên đoán có thể kiểm tra được về vũ trụ. Thông qua các phương pháp kiểm soát, nhà khoa học sử dụng cách quan sát các dấu hiệu biểu hiện mang tính vật chất và bất thường của tự nhiên nhằm thu thập thông tin, rồi sắp xếp các thông tin đó thành dữ liệu để phân tích nhằm giải thích cách thức hoạt động, tồn tại của sự vật hiện tượng. (wikipedia)

Như vậy có nghĩa là những đối tượng mà khoa học nghiên cứu đều là những đối tượng có gây ảnh hưởng tới sự vật, sự việc nào đó mà chúng ta có thể ghi nhận được, quan sát được. Từ những dấu hiệu mà nhà khoa học ghi nhận, quan sát thì họ mới có thể suy luận và tìm hiểu được bản chất của đối tượng đã gây ảnh hưởng tới sự vật, sự việc đó là gì. Ví dụ như Newton quan sát thấy quả táo có thể rơi từ trên cành cây xuống. Sự việc quả táo rơi xuống sẽ được xem là một hiện tượng, và Newton đặt ra câu hỏi “tại sao lại như vậy”, điều gì đã dẫn tới hiện tượng này? Rồi từ hiện tượng đó ông mới đưa ra giả thuyết về sự tồn tại của lực hấp dẫn, rằng quả táo và Trái Đất đang hút lấy nhau bởi lực hấp dẫn. Vậy lúc này “lực hấp dẫn” đã trở thành một đối tượng nghiên cứu của Newton. Lực hấp dẫn là vô hình, không tồn tại dưới hình dạng nào đó để ta quan sát, và mổ xẻ theo nghĩa đen được. Do đó Newton phải quan sát tác động của lực hấp dẫn đối với các hành tinh, đối với các thiên thạch chuyển động trong vũ trụ. Liệu có phải quỹ đạo các thiên thể trong vũ trụ bị chi phối bởi loại lực vô hình này hay không? Và từ đó cũng có thể giải thích được nhiều hiện tượng khác liên quan tới lực hấp dẫn.
Hoặc như vật chất tối, năng lượng tối. Chúng cũng là những thứ vô hình, không thể quan sát được, vậy tại sao khoa học lại xác nhận được sự tồn tại của chúng?

Sự tồn tại của chúng tuy chỉ là giả thuyết, nhưng vẫn là sự tồn tại được suy luận từ những hiện tượng nhất định mà người ta ghi nhận được. Dù chúng vẫn chưa được kiểm chứng và xác định bản chất rõ ràng như lực hấp dẫn, nhưng ít nhất là có ý nghĩa về việc giải thích hiện tượng. Vật chất tối được suy ra từ việc các ngôi sao quay quanh thiên hà một cách bất thường, không tuân theo lý thuyết cơ học cổ điển, giống như nó còn được chi phối bởi một trường hấp dẫn nào khác từ những vật chất vô hình được phân bố xung quanh rìa thiên hà.  Năng lượng tối được suy ra từ việc quan sát các thiên hà trong vũ ngày càng rời xa nhau, mà đáng lẽ chúng phải hành xử ngược lại bởi lực hấp dẫn, hoặc ít nhất là tốc độ rời xa nhau phải giảm dần. Nhưng khoảng cách giữa các thiên hà lại ngày càng tăng và vận tốc ngày càng nhanh nên, vậy nên giả thuyết về sự phân bố của năng lượng tối trong vũ trụ cần được đặt ra để giải thích điều đó.

Chúng ta gọi những cách thức để các khoa học gia đi đến kết luận về sự tồn tại của đối tượng nào đó hoặc giải thích hiện tượng nào đó là phương pháp Luận - Biện Chứng. Một giả thuyết nêu ra chỉ được xem là giả thuyết khoa học khi giả thuyết phải được xây dựng trên phương pháp Luận - Biện Chứng

Dù đối tượng mà khoa học nghiên cứu có tồn tại là vô hình hay hữu hình, chỉ cần đối tượng đó là nguyên nhân của một sự việc, một hiện tượng nào đó xảy ra trong vũ trụ này mà chúng ta có thể ghi nhận và quan sát thì đối tượng đó mới là đối tượng nghiên cứu của khoa học.

Vậy còn những thứ được cho là có tồn tại như Thiên Chúa, thần thánh… có phải là đối tượng mà khoa học hướng tới để nghiên cứu không?

Chúng ta dễ tìm thấy các tài liệu kinh thánh ghi chép từ thuở xưa có nói tới việc Đấng tạo hóa khai sinh ra thế giới. Hoặc giải thích một số hiện tượng tự nhiên bởi thiên chúa, hoặc mô tả lại hoạt động nào đó của vũ trụ. Đó có phải là những điều mà khoa học cần nghiên cứu không?

Nói về việc Thiên Chúa hay ai đó tạo ra vũ trụ này thì đó có lẽ không phải là điều đáng quan tâm của khoa học. Nếu giả sử có Chúa và ngài đã khai sinh ra vũ trụ thì ngài cũng đã chơi trò tung xúc xắc. Sau cú tung của ngài, con xúc xắc có diễn ra như thế nào đi chăng nữa thì đó là ngẫu nhiên, không thuộc quyền kiểm soát của ngài nữa. Khoa học sẽ không hướng tới việc tìm hiểu cách ngài đã tung xúc xắc, khoa học chỉ tìm hiểu con xúc xắc sau khi nó được tung ra đã hành xử thế nào, tại sao nó lại hành xử như vậy. Nếu giả sử vũ trụ này có điểm khởi đầu thì khoa học chỉ tìm hiểu những điều đã và đang diễn ra sau khi vũ trụ này khai sinh chứ không hướng tới việc tìm hiểu điều gì đã khai sinh vũ trụ. Nói cách khác là điều đó không còn thuộc phạm trù của khoa học nữa.

Ta cũng có thể xem thiên chúa, hay như quan điểm của Đông phương rằng thần Nữ Oa Nương Nương hoặc Ngọc Hoàng Đại Đế khai sinh vũ trụ, vá trời may đất… Cứ cho là điều đó tồn tại thì đấng toàn năng cũng như một nhà lập trình game đã vẽ từng mã code cho thế giới này. Nghĩa là trước đó đấng toàn năng phải xây dựng các quy tắc tự nhiên, tạo ra năng lượng và bản chất của nó để nó có thể hình thành vật chất. Họ tạo ra 4 lực tương tác cơ bản của tự nhiên. Rồi sau đó ngài khai sinh chúng. Công việc còn lại ngài không còn can thiệp nữa, để cho mọi thứ tự diễn ra theo ngẫu nhiên. Và cho tới bây giờ, chúng ta chỉ nghiên cứu và tìm hiểu bản chất những quy tắc đó mà thôi.

Lại nói đến những ghi chép của kinh thánh. Không chỉ nói tới sự khai sinh của vũ trụ mà còn giải thích một số hiện tượng trong tự nhiên. Tuy nhiên sự giải thích của tôn giáo suy cho cùng chỉ là sự suy diễn, chỉ là đặt ra giả thuyết không dựa trên cơ sở quan sát và ghi nhận giống như sự giải thích của khoa học, không giống phương pháp mà Newton từng làm, không phải là phương pháp Luận - Biện Chứng.

Chúng ta chưa cần nói đến việc bác bỏ những lời giải thích đó, bác bỏ những ghi chép đó của kinh thánh. Bởi vì bác bỏ sẽ chẳng có ý nghĩa gì cả, những quan điểm đó đã trở thành đức tin của nhân loại, nó trở thành nét đẹp văn hóa của mỗi dân tộc. Chúng ta có thể tin Âu Cơ & Lạc Long Quân là hai người sinh ra dân tộc Việt Nam, có thể tin rằng thắp hương cúng bái là thể hiện lòng tôn kính tới tổ tiên mình, bày hoa quả, xôi, thịt mời tổ tiên ngồi trên bàn thờ ăn. Những điều đó tồn tại không dựa trên suy luận mang tính khoa học. Khoa học sẽ không hướng tới điều đó, không mổ xẻ và phân tích điều đó. Một nhà khoa học có thể tin vào điều đó, nhưng điều đó sẽ không ảnh hưởng tới công việc nghiên cứu khoa học của anh ta. Có thể nhà khoa học phương Đông tin rằng thần Bàn Cổ là người khai sinh vũ trụ, nhà khoa học Châu Âu lại tin rằng Thiên Chúa tạo ra vũ trụ. Không lý nào hai nhà khoa học lại cãi nhau về chuyện ai mới là người sinh ra vũ trụ. Và tất nhiên khi gặp nhau họ vẫn vui vẻ đồng ý với nhau rằng:
“chà! Newton thật tài tình, quả thực lực hấp dẫn là F=GMm/R^2 ông ạ”.



Tóm lại, chúa trời hay bất kì nhân vật huyền thoại thần thánh nào có tồn tại thực sự hay không đều không quan trọng với khoa học. Khoa học không hướng tới việc chứng minh hay phản bác sự tồn tại này. Khoa học chỉ hướng tới tự nhiên, hoặc xã hội, hướng tới những đối tượng có tồn tại thực sự gây ảnh hưởng tới hiện tượng mà ta có thể ghi nhận. Những tín ngưỡng về đấng tối cao là đức tin của chúng ta, ai tin cũng được, không tin cũng chẳng sao. Vốn dĩ tin và không tin không có ý nghĩa với khoa học. Kể cả một giả thuyết khoa học cũng không cần bạn phải tin. Khoa học chỉ có chỗ cho tư duy logic. Khoa học chỉ cần bạn công nhận hoặc bác bỏ một điều bằng não bộ chứ không cần bạn tin hoặc không tin dựa vào con tim.


Hoàng Bờm - 13/11/2017

Mọi phản ánh xin gửi tới địa chỉ liên hệ: hoangbom09@gmail.com
hoặc: nhấp vào đây để gửi tin nhắn qua facebook

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chuyện tình giữa Trái Đất và Mặt Trăng

Chân trời sự kiện - Sự ngăn cách tuyệt diệu với con người.